Lễ hội truyền thống ở Hà Giang như hội Lồng Tồng, hội Cấp Sắc, lễ hội chợ tình Khâu Vai… không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao mà còn thu hút hàng triệu du khách đến với cao nguyên đá mỗi năm.
Trong bài viết dưới đây, Thổ địa Hà Giang xin giới thiệu đến các bạn những lễ hội truyền thống ở Hà Giang nổi tiếng và đặc sắc nhất.
Nội dung bài viết
Hội Lồng Tồng Hà Giang
Thời gian tổ chức: Đầu tháng Giêng
Hội Lồng Tồng trong tiếng Tày – Nùng có nghĩa là “xuống đồng”. Lễ hội được tổ chức để tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên. Đồng thời, đây còn là dịp để đồng bào dân tộc Tày, Nùng cầu thuận lợi, no ấm, hạnh phúc.
Phần lễ gồm các nghi thức:
- Cúng lễ
- Đọc các bài khấn và cầu thần Nông, thần Núi, thần Suối… những vị thần bảo hộ cho mùa màng, sức khỏe và sự bình yên cho dân làng.
Phần hội gồm:
- Các tiết mục văn nghệ dân gian
- Trò chơi truyền thống: kéo co, ném còn, cày ruộng
Lễ hội truyền thống ở Hà Giang – hội Gầu Tào
Thời gian tổ chức: Ngày mùng 1 – 15 tháng Giêng
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội quan trọng trong truyền thống của người H’Mong nhằm cầu phúc, cầu mệnh. Một điều đặc biệt là nếu hội được tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày. Còn nếu được tổ chức trong 1 năm thì lễ hội sẽ diễn ra trong 9 ngày.
Lễ hội Gầu Tào gồm nhiều khá nghi thức đặc sắc của dân tộc H’Mong. Trong đó, tiêu biểu nhất là nghi lễ dựng cây Nêu. Lễ vật cúng trong lễ hội khá đa dạng, gồm: thủ lợn, giấy tiền, ngô, thóc, rượu, xôi…
Lễ hội chợ tình Khâu Vai
Thời gian tổ chức: ngày 27/3 âm lịch hàng năm
Nhắc tới lễ hội truyền thống ở Hà Giang, không thể không nhắc tới chợ tình Khâu Vai – nơi gặp gỡ của những đôi trai gái tìm bạn tình, nơi tụ hội của những đôi lứa yêu nhau và thậm chí cả những người có tình yêu dang dở.
Đến đây, du khách không chỉ được trải nghiệm phiên chợ phong lưu độc đáo bậc nhất trên cao nguyên đá mà còn khám phá đời sống tinh thần đồng bào dân tộc H’Mong, Nùng qua tiếng khèn, điệu múa.
Lễ hội Cầu Trăng ở Hà Giang
Thời gian tổ chức: Rằm tháng Tám âm lịch
Trong lễ hội Cầu Trăng, du khách sẽ được nghe các làn điệu dân ca, tham gia trò chơi dân gian và thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của người Tày như xôi ngũ sắc, măng chua, trám đen, thịt lợn…
Kết thúc buổi lễ, các già làng sẽ phát hạt giống cho con cháu với mong muốn cuộc sống ấm no, mùa vụ mới thuận lợi, bội thu.
Lễ hội Cấp Sắc của người Dao ở Hà Giang
Thời gian tổ chức: tháng 11, 12 hoặc tháng Giêng hàng năm
Lễ hội Cấp Sắc (lễ Lập Tịnh) được coi là lễ trưởng thành, chỉ dành cho nam giới.
Tùy phong tục của từng dân tộc Dao tiền, Dao đỏ,hay Dao áo dài mà độ tuổi làm lễ Cấp Sắc sẽ khác nhau. Để tiến hành lễ, gia đình người nam sẽ phải mời thầy cúng về và chuẩn bị tất cả các vật cần thiết, bao gồm rượu, gạo, lợn…
Lễ hội Nhảy Lửa của người Pà Thẻn
Thời gian tổ chức: lúc giao thời năm cũ – năm mới hoặc vào dịp thu hoạch vụ mùa
Theo quan niệm của người Pà Thẻn, lễ Nhảy Lửa được tổ chức nhằm tạ ơn trời đất, thần linh đã cho họ một mùa vụ tươi tốt. Đồng thời, đây cũng là dịp người dân cầu chúc cho vụ mùa năm sau. Đống lửa sẽ mang đến sự ấm áp và may mắn, xua đi cái khắc nghiệt của mùa đông.
Lễ hội Đấu Ngựa Hà Giang
Thời gian tổ chức: Rằm tháng Giêng và Rằm tháng 7 hàng năm
Hội Đấu Ngựa tại xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang là một lễ hội truyền thống ở Hà Giang đã bị thất truyền từ lâu và mới khôi phục lại từ năm 2013. Tham gia lễ hội là 20 cặp ngựa được tuyển chọn và huấn luyện bài bản. Sau 4 vòng đấu, 2 chiến mã mạnh nhất sẽ được chọn để thi đấu chung kết. Người có ngựa giành chiến thắng chung cuộc sẽ được trao thưởng khoảng 40 triệu đồng.
Hà Giang không chỉ đẹp ở phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng mà nơi đây còn lưu giữ nền văn hóa lâu đời, đặc sắc với nhiều lễ hội truyền thống mang đậm dấu ân. Nếu có cơ hội đến nơi đây, bạn nhất định đừng bỏ qua những lễ hội này. Để biết thêm nét đẹp cũng như kinh nghiệm khám phá Hà Giang hãy truy cập ngay vào trang web thodiahagiang.com để biết thêm chi tiết.